Nhà có phổ như nước có sử, họ Nguyễn nhà ta từ ngài Thái Sư triều Lê là Nguyễn Trãi trở xuống đến giờ biết bao trung thần hiếu tử, rực rở vẻ vang. Quốc sử còn ghi chép.

Riêng phần nhà, con cháu vài đời sau thiếu thiện chí, không ghi chép rõ ràng tài đức và hành vi cao cả của tiền nhân, thật đáng ngậm ngùi.

Phần con cháu như tôi, cảnh nhà thiếu thuận tiện, muốn xây ngôi nhà to lớn mà một mình khó nổi vỗ tay kêu, nhưng vẫn quyết thành công trong cố gắng, chắc liệt tổ dưới cửu tuyền cũng có chút lương tâm. Tự xét rằng: đạo trời có lúc tối, ắt có lúc sáng, đời người hết lúc bĩ phải có lúc thảnh thơi, nên con đây dám đâu không hết sức đem lại trong muôn một trong nhã ý của các đấng tiền công. Vậy nhân ngày rãnh đem duyệt lại bức đồ xưa, thì không lúc nào mà chẳng nảy ra vài cảm hứng.

Trộm nghĩ rằng: chi nhánh vài đời, mộ phần khó nổi hoàn toàn đúng số, ngày húy kỵ không thể nhớ cùng, tội lỗi ấy nào phải vì ai đó chẳng qua thế đạo xui nên thế.

Hiện giờ phần mộ chỉ nhớ được:

Hiển Tổ Khảo Tỷ và Hiển Khảo Tỷ, bốn ngôi ngày húy kỵ chỉ nhớ được sáu ngày của Tằng Tổ Khảo Tỷ, Tổ Khảo Tỷ, còn bao nhiêu thế hệ trước sau. mong con cháu tiếp tục gia tâm sưu tập cho được hoàn bị để khỏi phụ lòng ta mong muốn.

Lời tựa này viết vào ngày mồng 7 tháng giêng niên hiệu Tự Đức thứ mười một

Lời tựa của ngài Vĩnh Quốc Công

Tục Chí

Theo l ời tựa của ngài Vĩnh Quốc Công

Tộc phổ , gia phổ làm ra để ghi rõ thế thứ, hệ thống, sự tích và hành vi của các đấng tiến nhơn lưu lại về sau cho con cháu để mắt vào, ưu nên theo, khuyết nên bồi bổ để làm vật báu của gia thế, treo làm đèn sang cho tổ tong, vậy tộc phổ không thể không có.

Tộc ta về phần trước, thời cuộc biến chuyển nhiều lần không ghi chép được hoàn toàn đầy đủ, nhưng kể từ ngài Ức Trai tướng công đã trên vài mươi đời, trong thời gian đó, những ngài Trịnh Quốc Công, Lễ Quận Công và Vĩnh Quốc Công huấn nghiệp của các ngài đã là rực rỡ.

Cũng có nhiều ngài mặt văn cũng như võ, ting tăm vẫn còn truyền tụng, sử nước còn thấy ghi, còn như trai gái, sĩ nông, công, cổ đều lấy hiếu nghĩa làm đầu.

Tôi xin đội đức cao dầy của tiền nhân và tuân theo lời di huấn của đức Vĩnh Quốc Công, tôi đã vào Nam ra Bắc cũng như Trung, thâu thập tài liệu đầu đủ, thế hệ rõ ràng, ghi chép để đời sau được rõ.

Uống sông nhớ nguồn ăn trái vun cây mới phải, Gia Phổ nhà ta nguyên chép bằng Hán Văn, nhưng thấy không thích hợp với hiện đại nên đã phiên dịch ra quốc văn để cho dễ hiểu và đồng thời chép thêm những thế hệ chưa ghi đến.

Ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Hợi

Nguyễn Hữu Đồng

1. Nguồn gốc gia phả họ Nguyễn Hữu:

Cuốn gia phả họ Nguyễn Hữu do ngài Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ viết bằng chữ nho đề ngày 7 tháng 1 năm Tự Đức thứ 11<nhằm năm Mậu Ngọ 1858, trang bìa ghi: Gia phả họ Nguyễn – Hữu _ Thế hệ ngài Hằng Quốc Công chi ngài Tùng Dương Hầu.

Cuốn gia phả họ Nguyễn Hữu viết lần thứ 2 ngày 15 tháng 10 Kỷ Hợi , tức ngày 15 tháng 11 năm 1959, do ngài Hồng Lộ Tự Khanh Nguyễn Hữu Đồng cập nhật và biên dịch ra chữ quốc ngữ trang bìa đầu vẫn giữ nguyên hàng chữ : Gia phả họ Nguyễn Hữu_ Thế hệ ngài Hằng Quốc Công chi ngài Tùng Dương Hầu .

Cuốn gia phả họ Nguyễn Hữu soạn thảo cập nhật lần thứ 3 vào ngày 8 tháng 4 năm 2010 , nhóm soạn phả ghi gia phả Nguyễn Hữu tộc và vẫn ghi hàng chữ .Thế hệ ngài Hằng Quốc Công như 2 cuốn trước.

Đây là ngụ ý nhắc nhở con cháu đời sau biết rằng : Dòng tộc Nguyễn Hữu bắt đầu từ đời ngài Hằng Quốc Công Nguyễn Hữu Vĩnh . Ngài là con trai thứ hai của tổ Trinh Quốc Công Nguyễn Đức Trung , cháu nội của tổ Hoằng Quốc Công Nguyễn Công Duẩn và em trai tổ Huân Vương Nguyễn Văn Lang , có em gái là Nguyễn Thị Ngọc Hằng chánh hậu của vua Lê Thánh Tông .

Ngài Hằng Quốc Công sinh trưởng và từ trần tại Thanh Hóa . Mộ táng tại núi Thiên Tôn , phủ Triệu Tường , Thanh Hóa .

Bình luận về bài viết này